CHÔNG TÔI SẼ LÀM MƯA - Chương 1:
Cập nhật lúc: 2024-11-10 00:56:27
Kết hôn được một năm, chồng tôi chưa xuất hiện lần nào.
Cho đến một đêm, khi tôi đang cười như đứa ngốc vì xem mấy video của mấy anh chàng hài hước trên mạng, thì bên tai vang lên một giọng nói lạnh lẽo:
"Anh không ở đây, mà em dám làm trò cắm sừng anh thế này sao?"
Tiêu rồi.
1
Tôi tên là Ôn Tư An. Do sinh non, tôi vô tình chào đời ngay bên cạnh khu mộ tổ của nhà mình.
Không biết có phải vì lý do đó không, nhưng từ nhỏ tôi đã yếu ớt, bệnh tật liên miên.
Bố mẹ tôi đã đưa tôi đi khám không biết bao nhiêu bác sĩ, nhưng chẳng ai tìm ra cách chữa trị.
Cuối cùng, họ tìm đến một ông lão thầy thuốc Đông y, ông ấy vuốt râu, gương mặt thoáng vẻ trầm trọng.
"Tôi nghĩ tốt nhất là nên tìm một người thầy phong thủy có hiểu biết xem thử đi."
…
Rồi, cái gì đến cũng không thể trốn được.
Bị tà ma ám rồi.
Bố mẹ tôi bèn tìm đến một thầy bói nổi tiếng nhất vùng.
Ông thầy phán:
"Không sống qua nổi 18 tuổi."
Mẹ tôi, người rất nóng tính, nghe xong câu nói xúi quẩy đó, liền bật dậy định đánh cho ông lão một trận.
Ông thầy rụt cổ lại: "Khụ khụ, trừ phi…"
Bố tôi vội ôm chặt lấy mẹ: "Trừ phi gì, nghe ông ấy nói đi."
Ông thầy nghiêm túc nói: "Trừ phi tìm được một nhân vật lớn để kết hôn. Cơ thể thuần âm của con bé này rất được săn đón trong các giới."
Bố tôi chen ngang: "Ý ông nhân vật lớn là ai?"
Ông thầy chớp mắt, đưa ngón cái và ngón trỏ lại gần nhau xoa xoa ra hiệu.
Mẹ tôi nghe xong thì im lặng, quay đầu nhìn bố tôi.
"Chồng ơi, ông lão này nghĩ tôi ngốc chắc?"
Ông thầy: "..."
Bố tôi: "Ờ thì..."
Tôi nằm trong vòng tay bố, mở to mắt không dám thở mạnh.
Mẹ kéo bố tôi, mắng chửi ầm ĩ rồi bỏ đi.
Thế nên, ban đầu mẹ tôi không tin.
Nhưng sau khi tôi lên 5 tuổi, mỗi năm tôi đều bị một trận ốm nặng suýt mất mạng, mẹ tôi lại mắng chửi nhưng vẫn kéo bố đi tìm ông thầy bói.
2
Ông thầy dường như đã biết trước chúng tôi sẽ quay lại, nên khi gặp lại, ông chẳng hề ngạc nhiên.
Lần này, ông lấy từ một chiếc hộp nhỏ ra một miếng ngọc bội, trên đó khắc hình một con rắn xanh.
Phải nói là rất tinh xảo.
Tôi lẽo đẽo theo sau bố mẹ, tay nhỏ cầm lấy miếng ngọc bội, ánh mắt của con rắn xanh dường như đang nhìn xoáy vào tôi, như muốn nhìn thấu tất cả.
Tôi nhẹ nhàng vuốt ve miếng ngọc rồi cất vào túi, không nhận ra rằng nó vừa phát ra một ánh sáng xanh mờ.
Trước khi rời đi, ông thầy dặn dò: "Nhớ kỹ, luôn phải mang theo bên người."
Từ đó, tôi ở đâu, ngọc bội ở đó.
Nói ra cũng lạ, từ khi có miếng ngọc này, tôi không còn mắc bệnh nặng hay gặp phải tai nạn bất ngờ nào nữa.
3
Cho đến năm tôi 17 tuổi, tôi nhận được một bức thư tình.
Vào một ngày thứ sáu hết sức bình thường, trên đường tan học, lớp trưởng Diệp Văn Tu gọi tôi lại.
Diệp Văn Tu là nhân vật nổi bật của khối, vừa đẹp trai lại học giỏi.
Trong thời học sinh, cậu ấy chính là "ánh trăng sáng" trong lòng không ít nữ sinh.
Tất nhiên, thành tích học tập của tôi cũng chẳng kém cạnh, thậm chí còn có thể tranh giành vị trí nhất khối với Diệp Văn Tu.
Cậu ấy đứng dưới ánh nắng, mái tóc rối nhẹ nhàng rủ xuống trán, giọng nói trong trẻo và dịu dàng: “Ôn Tư An.”
Tôi dừng lại: “Gì thế?”
Diệp Văn Tu bước đến gần, ánh mắt ấm áp dừng lại trên người tôi, có chút ngượng ngùng hiện rõ trên gương mặt.
Một lúc sau, cậu ấy chỉ khẽ vỗ nhẹ vào vai tôi.
“Kỳ thi đại học, cố lên nhé.”
Tôi hơi ngơ ngác, nhưng vẫn lịch sự mỉm cười và gật đầu.
“Cảm ơn.”
Trong lòng lại nghĩ: Cậu trai này, tôi còn tưởng cậu đến để thách đấu với tôi đấy.
Nụ cười vẫn chưa tắt trên môi, thì bầu trời trong xanh bỗng chốc trở nên u ám.
Một tia chớp xé toạc bầu trời, tiếng sấm rền vang, mưa lớn trút xuống như đổ.
Không có chút dấu hiệu báo trước nào cả.
Diệp Văn Tu lập tức bị ướt sũng, cậu ấy lau mặt, ngạc nhiên: “Lạ thật, thời tiết đổi nhanh quá.”
Vừa nói, cậu ấy rút ra từ balo một chiếc ô đen:
“Ôn Tư An, tớ có ô này, để tớ đưa cậu về nhà nhé.”
Nhưng ngay khi cậu ấy mở ô, chiếc ô liền bị gió xé nát, chỉ còn trơ lại mỗi cái cán.
Cảnh tượng đó thật sự buồn cười, tôi không nhịn được mà bật cười lớn.
Tiếng sấm lại vang lên, còn to hơn lúc nãy.
Theo thói quen, tôi định đưa tay sờ ngọc bội, nhưng rồi chợt nhớ hôm nay tắm xong tôi đã tháo ra để trong hộp gỗ mà quên đeo lại.
Nhìn thời tiết đột ngột thay đổi, tôi cảm giác không ổn, vội vàng chào tạm biệt Diệp Văn Tu rồi chạy về nhà trong cơn mưa.
Khi về đến nhà, ướt như chuột lột, tôi thấy mẹ mình ngồi trên ghế sofa với vẻ mặt nghiêm trọng, trông như đã chờ tôi từ lâu.
Tôi cười tươi lại gần.
“Ôn Tư An, mẹ hỏi con, dạo này có hay gần gũi cậu con trai nào không?”
Tôi lắc đầu.
Mẹ đã dặn rồi, không được yêu sớm.
Bà nhìn tôi một lúc, rồi ném cho tôi một chiếc khăn tắm, bất ngờ hỏi:
“Ngọc bội của con đâu?”
“…”
“Tắm xong con tháo ra rồi quên đeo lại…” tôi cúi đầu, lí nhí trả lời.
Mẹ đã nói không biết bao nhiêu lần rằng ngọc bội phải luôn mang theo bên người, dáng vẻ nghiêm túc của mẹ ocứ như thể miếng ngọc đó là mạng sống của tôi vậy.
Đôi khi tôi cũng muốn đóng kịch, làm một màn “Đập vỡ cái thứ quái quỷ này đi.”
Nhưng tôi không dám, mẹ tôi sẽ đập tôi mất.
Dù sao thì, cầm miếng ngọc khi tắm cũng rất bất tiện.
Có lần, tôi quên tháo ngọc trước khi vào phòng tắm, đành nắm chặt nó trong tay, nhưng càng tắm, ngọc bội càng nóng lên, khiến tôi phải để nó ngoài phòng tắm từ đó.
Không biết từ lúc nào, mẹ đã cầm lấy balo của tôi và bắt đầu lục lọi.
Bà cầm một chiếc phong bì hỏi tôi: “Cái này là gì?”
Tôi lắc đầu, tỏ vẻ không biết.
Bà nhìn tôi hai giây, tôi gật đầu ra hiệu cho mẹ mở ra xem.
Xem xong, mặt mẹ tôi trầm xuống, lắc đầu thở dài.
“Mẹ nói mà, tại sao “hắn” lại đột nhiên đến sớm như vậy.” Bà đập chiếc phong bì lên bàn, “Chắc là cậu ta giận rồi.”
Tôi: ?
Tôi bước lên cầm lấy phong bì, đọc qua nội dung, không khỏi ngạc nhiên.
Trong thư viết:
“Ôn Tư An, tớ phải thừa nhận, cậu là người duy nhất ở trường này khiến tớ cảm thấy bối rối và dao động.
Mỗi lần đi ngang qua lớp cậu, nhìn cậu ngồi ở bàn bên cửa sổ làm bài tập, gương mặt chăm chú và kiên định đó cứ lẩn quẩn mãi trong đầu tớ. Tớ nghĩ, tớ thích cậu.
Tớ nói những điều này chỉ để bày tỏ lòng mình, hy vọng chúng ta có thể cùng nhau tiến bộ, và cùng đậu vào ngôi trường mà cả hai mong muốn!”
Chữ ký là của Diệp Văn Tu.
Đọc xong, tôi suýt buột miệng thốt ra câu chửi:
“Quá là nham hiểm, thật là nham hiểm!”
Mẹ tôi nhìn tôi với vẻ kinh ngạc.
Tôi không kìm được mà phàn nàn: “Lớp 12 rồi còn viết cho con cái này, cậu ta có ý đồ gì đây!
“Cậu ta nghĩ rằng làm vậy sẽ khiến con hoang mang, ảnh hưởng đến bài kiểm tra tháng sau à?
“Không được, con phải đi làm thêm một bộ đề ngay bây giờ!”
Tôi còn đang bận mắng Diệp Văn Tu là kẻ xảo quyệt, quên mất chuyện mẹ vừa nói về cái “hắn” nào đó.
Mẹ tôi sững sờ, hồi lâu mới chậm rãi nói: “Con gái ơi, mẹ đột nhiên thấy người kia lo lắng có hơi thừa.”
Tôi: ?
Mẹ nhìn tôi rồi vẫy tay:
“Dù sao đi nữa, mấy ngày tới mẹ sẽ xin nghỉ phép cho con, tạm thời không đến trường.”
“Gì cơ?”
Có chuyện tốt vậy sao?
Mẹ lườm tôi: “Đừng mừng vội, chẳng có gì tốt đâu!”
Bà kể chi tiết cho tôi nghe về những chuyện đã xảy ra hồi tôi còn nhỏ, bao gồm cả chuyện miếng ngọc bội này.
Cuối cùng, kết luận là tôi phải kết hôn trong năm nay, vì đó là yêu cầu của “hắn.”
Còn “hắn” là ai, tôi không biết, cũng chưa từng gặp.
Nhưng mà, kết hôn cái gì chứ!
Thi đại học còn cần giấy đăng ký kết hôn sao?